Tin tức sự kiện

WB: Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam từ ổn định đến tích cực

6,0% và 6,5% là các mức dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 và 2026 của Việt Nam mà báo cáo Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra. “Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới là tích cực”, báo cáo cho biết.

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 chỉ 5,5%

Trước khi đến với các mức tăng trưởng khá tích cực năm 2025 và 2026, theo WB kinh tế Việt Nam dự báo có thể chỉ đạt mức tăng 5,5% trong năm nay

Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo Điểm lại ngày 23/4/2024, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam cho rằng, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, trong khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần… Tuy nhiên, dự kiến sự phục hồi nhìn chung sẽ không quá mạnh mẽ.

trien-vong-tang-truong-cua-vn-tu-on-dinh-den-tich-cuc

Dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,5% trong năm nay của WB được đưa ra dựa trên một số giả định. Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo sẽ phục hồi khá trong năm 2024, nhờ đà phục hồi có được từ quý IV/2023 và quý I vừa qua. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% trong năm nay so với năm 2023, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện. Thị trường bất động sản được dự báo sẽ xoay chuyển theo hướng đi lên vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi tình trạng đóng băng của thị trường trái phiếu có dấu hiệu được giải tỏa. Luật Đất đai được ban hành sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2025, sẽ làm rõ phương thức định giá đất và ban hành các quy định mới về sử dụng đất.

“Khi xuất khẩu và thị trường bất động sản dần phục hồi, nhu cầu trong nước dự kiến sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2024 do các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại lòng tin, với dự kiến tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân sẽ tăng tương ứng 5,5% và 5,0% trong năm nay so với cùng kỳ năm trước (theo giá so sánh)”, bà Dorsati Madani cho biết.

Cũng cần lưu ý mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,5% năm nay là kịch bản cơ sở mà báo cáo đưa ra. Con số này có thể cao hơn, hoặc thấp hơn tùy thuộc vào diễn biến của một số yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng. Qua phân tích độ nhạy đơn giản về tác động trực tiếp của các cú sốc ngoại sinh đối với xuất khẩu và tiêu dùng, các chuyên gia WB đã giả định ba kịch bản sốc và so sánh chúng với ước tính cơ sở vào năm 2024.

“Kết quả của chúng tôi nêu bật mức độ dễ bị tổn thương cao của nền kinh tế trước các cú sốc xuất khẩu và tầm quan trọng của tiêu dùng cá nhân trong nước như một yếu tố đóng góp cho tăng trưởng. Chúng tôi ước tính rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm 1% sẽ làm giảm 0,9% tốc độ tăng trưởng GDP trong năm. Nếu tiêu dùng trong nước chậm lại 1% thì tốc độ tăng trưởng GDP thực tế sẽ mất đi 0,5%. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được cải thiện 0,5% sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP thêm 0,5%”, bà Dorsati Madani thông tin.

Theo báo cáo, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% trong năm nay (từ mức bình quân 3,2% năm 2023), chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục và y tế dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên với kỳ vọng về giá cả năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn định, CPI được dự báo sẽ giảm về 3,0% trong các năm 2025 và 2026.
Nương vào tài khóa để củng cố, thúc đẩy phục hồi kinh tế

Theo các chuyên gia WB, triển vọng dự báo cơ sở trên nhìn chung ở thế cân bằng cả về rủi ro và cơ hội. Về rủi ro, do độ mở của kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu lớn, nên một trong những yếu tố bất định chủ yếu là trường hợp tăng trưởng toàn cầu có thể thấp hơn so với dự kiến, đặc biệt là tại một số các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Những diễn biến như vậy có thể tác động đến quá trình phục hồi xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam, cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng và sản xuất công nghiệp. Trong nước, nếu thị trường bất động sản có thể phục hồi chậm hơn dự kiến, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư, làm giảm đầu tư của khu vực tư nhân - là yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi - do thị trường bất động sản ảm đạm - có thể ảnh hưởng không tốt đến triển vọng tăng trưởng...

Ở chiều ngược lại, nếu tăng trưởng toàn cầu tốt hơn dự báo có thể hỗ trợ các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam phục hồi nhanh hơn. Đồng thời, khi các quốc gia phát triển, cụ thể là Hoa Kỳ, nới lỏng chính sách tiền tệ, chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế có thể được thu hẹp, nới lỏng chi phí huy động vốn trên toàn cầu, với tiềm năng đem lại tác động lan tỏa tích cực sang khu vực tài chính và ngân hàng ở Việt Nam. Cùng với đó, những cải thiện trong khu vực bất động sản, triển khai Luật Đất đai… sẽ tạo thuận lợi cho khu vực này phục hồi, và qua đó góp phần giúp đầu tư tư nhân trong nước phục hồi tốt hơn.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia WB cho rằng, các chính sách hỗ trợ cần được duy trì, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố, thúc đẩy phục hồi. WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây vừa là cách để giúp hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong tương lai. Theo ước tính, tăng đầu tư công thêm 1% GDP có thể giúp GDP tăng thêm 0,1%. Nhờ tình hình tài khóa được củng cố trong những năm gần đây, hiện dư địa tài khóa vẫn còn để tiếp tục thực hiện hỗ trợ có mục tiêu.

“Đầu tư vào các dự án hạ tầng tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức”, ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB về Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư cho biết. “Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”.

Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, theo WB dư địa cho việc cắt giảm lãi suất thêm nữa bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể theo chuyên gia Dorsati Madani, vẫn cần tiếp tục có chính sách tạo thuận lợi thích ứng, nhưng trong thực tế đang có sự khác biệt giữa lãi suất tại Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. “Dư địa để cắt giảm lãi suất tiếp theo không còn nhiều. Về mặt tiềm năng, bất cứ lần cắt giảm lãi suất tiếp theo có thể sẽ tạo ra áp lực đối với tỷ giá”, chuyên gia này cảnh báo.

Cuối cùng, những cải cách cơ cấu có vai trò thiết yếu nhằm duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Ngoài cung cấp các gói hỗ trợ kinh tế trong ngắn hạn, tăng cường quản lý đầu tư công cũng có vai trò quan trọng nhằm xử lý những thiếu hụt về hạ tầng phát sinh, chẳng hạn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và logistics - hiện đang trở thành rào cản ngày càng lớn đối với tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường môi trường quản lý Nhà nước trong các dịch vụ trọng yếu (công nghệ thông tin và truyền thông, điện lực, vận tải) để xanh hóa nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, và cải thiện môi trường kinh doanh.

TIN LIÊN QUAN

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt nhiều kết quả ấn tượng

Tại Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra chiều ngày 25/4/2024, nhiều thông tin...

Cùng đón đọc Bản tin số 73 – Số đặc biệt kỷ niệm 28 năm thành lập KienlongBank

Chào mừng 28 năm thành lập (27/10/1995 – 27/10/2023), Bản tin KienlongBank số 73 gửi đến Quý độc giả những thông tin, hình...

RỒNG THIÊNG VƯỢNG KHÍ - Cùng đón đọc Bản tin KienlongBank số đặc biệt chào Xuân Giáp Thìn 2024

Mùa xuân về mang theo sức sống mới cho vạn vật. Hương xuân lan tỏa khắp nơi, nhẹ nhàng qua từng con phố, nhành cây, ngọn cỏ,...

ĐỐI TÁC

Đối tác 01